Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Phải ngăn chênh lệch địa tô vào "túi" tư nhân hậu cổ phần hoá
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp hướng doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải hoạt động đúng ngành nghề được phê...
Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra các giải pháp hướng doanh nghiệp sau cổ phần hóa phải hoạt động đúng ngành nghề được phê duyệt, nếu không còn nhu cầu sử dụng đất phải trả Nhà nước nhằm ngăn chặn thâu tóm đất công bằng bình phong cổ phần hóa...
Ngày 8/6, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Có tới 79 đại biểu đăng ký chất vấn Tư lệnh ngành tài chính với hàng loạt điểm nghẽn, nút thắt trong tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Vấn đề thất thoát đất đai, vốn khi chuyển đổi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước gây thất thu ngân sách.
"TRUY" LÝ DO CỔ PHẦN HOÁ VÀ THOÁI VỐN CHẬM CHẠP
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, đoàn TP. Hồ Chí Minh, nêu việc rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa gặp nhiều khó khăn do quy trình thủ tục thời gian kéo dài cũng như tình trạng pháp lý đất đai phức tạp.
Đặc biệt, một loạt vấn đề như: Xác định lợi thế, giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm; Đánh giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử được quy định tại Nghị định 32/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, để xác định giá khởi điểm khi thoái vốn, hiện có nhiều cách nghĩ khác nhau, dẫn đến lúng túng không thống nhất khi thực hiện.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp thực hiện thoái vốn nhưng thực hiện chưa triệt để, công tác cổ phần hóa thoái vốn của một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều hạn chế đặc biệt, liên quan đến đất đai, làm thất thoát vốn nhà nước.
Chung quan điểm, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thành Công, đoàn Ninh Bình, cho rằng, tình hình cổ phần hoá, thoái vốn thời gian qua cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc. Việc xác định thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất, sắp xếp lại xử lý nhà đất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhà nước có số lượng nhà đất lớn, nằm trên địa bàn nhiều địa phương, có lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thành Công đề nghị Bộ trưởng báo cáo, giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn.
"Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hoá, thoái vốn hay không khi mà công tác rà soát hiện trạng sử dụng đất là nhiệm vụ thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước để bảo đảm xây dựng đất nước mục đích, tránh để hoang hoá, lãng phí, phải thực hiện trước, trong và sau cổ phần hoá?", Đại biểu đoàn Ninh Bình nêu câu hỏi.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, đoàn Tiền Giang, cũng nêu vướng mắc về việc doanh nghiệp không được chuyển mục đích sử dụng đất mà phải thực hiện theo mục đích sử dụng đất phương án được phê duyệt, Bộ Tài nguyên & Môi trường cho rằng điều này là trái với quy định của Luật Đất đai.
"Trong năm 2021, chỉ thực hiện bán vốn được 18 doanh nghiệp và cổ phần hóa 4 doanh nghiệp, thu ngân sách chỉ hơn 4.000 tỷ đồng".
Trả lời chất vấn các đại biểu, Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thừa nhận việc sắp xếp nhà đất và phê duyệt phương án sử dụng đất là “nút thắt” trong quá trình cổ phần hoá.
Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, tức nhà cửa đất đai của các doanh nghiệp Nhà nước thì ủy ban nhân dân các tỉnh được giao thẩm quyền phê duyệt phương án; tuy nhiên, việc phê duyệt phương án hiện nay cũng rất chậm.
NHÌN THẤU "LỖ HỔNG", ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ "RÙA BÒ"
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Thị Lệ và Đại biểu Nguyễn Thành Công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, nếu như tài sản của doanh nghiệp nhà nước gắn liền với đất trả tiền thuê hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng nếu nộp tiền đất một lần thì được tính vào giá trị doanh nghiệp cũng là những "lỗ hổng" cần được kiến tạo, đảm bảo sau khi cổ phần hóa, đất đai không bị thất thoát.
Nêu lại hàng loạt vụ án bị hình sự hoá vì cổ phần hoá thời gian vừa qua như: Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) và Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco)..., Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định ngân sách thất thoát rất nhiều, chủ yếu từ vấn đề chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
"Khi chuyển mục đích sử dụng đất phải tính giá đất để chuyển mục đích sử dụng đất nhưng tính không sát giá thị trường, gây ra thất thoát. Và từ thất thoát đó, rõ ràng tài sản của nhà nước chuyển qua về tài sản của tư nhân. Đây là một "nút thắt".
Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Theo đó, doanh nghiệp nộp tiền thuê đất một lần 50 năm, sau khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần, lại xin ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp thành phố trực thuộc trung ương, phê duyệt chuyển mục đích sử dụng đất.
Vừa qua, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo và có nhiều chuyên gia cho ý kiến, để phát triển một cách bền vững và lâu dài, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp cổ phần đều sử dụng đất, đất đai của toàn dân do Nhà nước đại diện; vì vậy, khi chuyển qua doanh nghiệp cổ phần hay doanh nghiệp tư nhân cũng thực hiện đúng mục đích kinh doanh được phê duyệt.
"Nếu không có nhu cầu sử dụng, trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất cho doanh nghiệp đó và tổ chức đấu giá để thu về ngân sách. Có nghĩa, địa tô chênh lệch sẽ không rơi vào túi của doanh nghiệp mà do nhà nước điều tiết", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh và cho rằng việc này sẽ đem lại lợi ích là sẽ thúc đẩy được năng lực của nền kinh tế.
"Tức là doanh nghiệp cổ phần hóa để nâng cao năng lực sản xuất của doanh nghiệp, chứ không phải cổ phần hóa doanh nghiệp để giải tán doanh nghiệp, thải hồi công nhân để bán máy móc, thiết bị và bán đất lấy địa tô chênh lệch, chuyển qua đất ở hay một loại đất khác", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phân tích.
Theo ông, nếu làm được điều này, chắc chắn năng lực của nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh của doanh nghiệp sẽ nâng lên. Và như vậy cũng không khuyến khích doanh nghiệp "nhìn ngó" những khu đất có lợi thế, thương mại để cổ phần hóa.
Liên quan đến đánh giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa lịch sử được quy định tại Nghị định 32/2018 rất bất cập và cản trở cổ phần hóa. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho hay, chủ trương sửa đổi Nghị định 32 có từ cách đây 3 - 4 năm.
"Trách nhiệm và giải pháp của Bộ Tài chính thế nào? Việc đưa quy trình sắp xếp nhà đất vào trong quy trình cổ phần hóa có hợp lý hay không?", Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, việc xác định vấn đề lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất nộp tiền một lần vào giá trị của doanh nghiệp, nhiều chuyên gia đánh giá chưa hợp lý. Bởi việc đánh giá lợi thế thương mại cũng theo ước chừng, chứ chưa có tiêu chí chính xác. Ngoài ra, khi chúng ta chuyển đưa vào giá trị của doanh nghiệp, hôm nay giá đất cao, ngày mai lại rẻ dẫn đến bất cập.
Đề cập giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh trạng thái "rùa bò" trong tiến trình cổ phần hoá, thoái vốn thời gian tới, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, cho hay Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên & Môi trường, Bộ Kế hoạch & Đầu tư và bộ, ngành khác để sửa đổi Nghị định 32.
Cũng theo bộ trưởng, sẽ không cho doanh nghiệp có nguồn gốc của nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất, hoặc nếu không sử dụng cho sản xuất kinh doanh nữa, không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất, hoặc chuyển khu đất đó cho một doanh nghiệp khác hoặc một cơ quan Nhà nước sử dụng.
Ngoài ra, trước khi cổ phần hoá phải sắp xếp nhà đất để xác định được tính hợp lý. Nhà đất là tài sản của Nhà nước, đương nhiên trước khi chuyển sang, phải có sự sắp xếp, khu đất nào giữ lại, khu nào trả về cho Nhà nước.