Nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ an cư của người lao động
Nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ an cư của người lao động. Thấu hiểu vấn đề nhà ở là ước mong “an cư lạc nghiệp” chính đáng của công nhân, thời...
https://www.khudothimoi.org/2022/07/no-luc-hien-thuc-hoa-giac-mo-cu-cua.html
Nỗ lực hiện thực hóa giấc mơ an cư của người lao động.
Các khu nhà ở công nhân có không gian thoáng đãng, an toàn tại Đà Nẵng - Ảnh: VGP/Minh Trang
Từ trăn trở hoàn thiện chính sách...
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh, nhu cầu nhà ở của công nhân rất lớn, nhất là khi tốc độ phát triển kinh tế xã hội tại các khu công nghiệp (KCN) ngày càng gia tăng. Vì vậy, trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để thúc đẩy phát triển các dự án nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân tại các KCN.
Trong giai đoạn 2016-2021, nhiều chính sách đã triển khai và đạt được những kết quả nhất định.
Cụ thể, cả nước đã đầu tư 7,3 triệu m2 nhà ở xã hội, trong đó thực hiện 122 dự án nhà ở công nhân với quy mô khoảng 2,7 triệu m2. Có thể thấy, Chính phủ và Thủ tướng đã tập trung quyết liệt chỉ đạo một số nhóm vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất là công tác hoàn thiện thể chế và các cơ chế chính sách để thúc đẩy đầu tư. Từ năm 2021 đến nay, Chính phủ đã sửa đổi Nghị định 100/2015/NĐ-CP về phát triển nhà ở xã hội; sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý các KCN. Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị định 35/2022/NĐ-CP về quản lý KCN và khu kinh tế.
Bộ Xây dựng cũng đã sửa đổi và ban hành Thông tư 39 hướng dẫn về trình tự lựa chọn chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và nhiều chính sách liên quan đến thủ tục hành chính.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11 về chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội. Theo đó, chương trình này với quy mô hỗ trợ 350.000 tỷ đồng, nhóm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân cũng nằm trong chương trình này.
Theo đó có 2 nhóm chính sách được bổ sung, nhóm 1 là hỗ trợ cho nhà đầu tư tham gia vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đều được vay vốn và đều được hỗ trợ lãi suất 2% với quy mô 40.000 tỷ đồng. Nhóm 2 là gói giúp người lao động, công nhân tại các KCN được vay vốn với quy mô 15.000 tỷ đồng, trong thời gian vay là 25 năm, lãi suất là 4,8%/năm.
Nhóm chính sách này sẽ tạo điều kiện rất thuận lợi khi triển khai đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới.
Thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội làm việc với các địa phương, đôn đốc các địa phương. Hiện nay, đoàn đã làm việc với 14 địa phương và các địa phương này đang rất tích cực triển khai các dự án.
Theo Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Nguyễn Đình Khang, vấn đề nhà ở cho công nhân là vấn đề trăn trở của Tổng LĐLĐ trong nhiều năm qua. Bên cạnh việc hoàn thiện các thể chế, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cũng giao Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện dự án về thiết chế công đoàn tham gia vào các hoạt động dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư dự án nhà ở, trường học, nhà trẻ, bệnh viện, các siêu thị để phục vụ công nhân tốt hơn.
Năm 2017, Thủ tướng phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng thiết chế của công đoàn tại các KCN, khu chế xuất, trong đó giao Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư thí điểm khu thiết chế công đoàn. Trên cơ sở đó, Tổng LĐLĐ đã chọn đầu tư thí điểm khu thiết chế công đoàn tại Hà Nam, Tiền Giang và Quảng Nam.
Dự án tại Hà Nam theo mô hình Tổng LĐLĐ trực tiếp đầu tư xây dựng nhà để bán và cho thuê. Dự án ở Tiền Giang theo mô hình làm hạ tầng cơ bản, nhà văn hoá, nhà trẻ sau đó kêu gọi đầu tư xã hội hoá phần nhà ở để bán và cho thuê. Dự án tại Quảng Nam do LĐLĐ địa phương làm chủ đầu tư kêu gọi xã hội hóa toàn bộ. Tới nay, dự án tại Hà Nam hoàn thành giai đoạn 1 với 5 tòa chung cư và 1 nhà đang năng đưa vào sử dụng, các dự án còn lại đang hoàn thiện dần.
Khi hoàn hiện, dự án tại Hà Nam có 20 toà nhà chung cư cho công nhân thuê và mua, các khu thể thao, chợ, nhà trẻ… tổng vốn đầu tư khoảng 559 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là đáp ứng chỗ ở cho trên 4.000 công nhân các KICN của Hà Nam.
... Đến hiện thực hóa ước mơ an cư
Chia sẻ với PV Báo điện tử Chính phủ, chị Mè Thị Thu, làm việc tại một doanh nghiệp sản xuất xe máy trong KCN Đồng Văn 2 (Hà Nam) cho biết chị rời quê Phú Thọ đến Hà Nam làm việc đã 8 năm. Trước đây, chị Thu thuê nhà dân, căn nhà khoảng 40 m2 có giá 2,5 triệu đồng. Từ tháng 12/2021 chị chuyển đến khu nhà thuộc khu thiết chế công đoàn được xây dựng thí điểm tại Hà Nam, cũng với diện tích tương tự nhưng giá thuê chỉ 1,450 triệu đồng. Theo chị Thu, chị không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền đáng kể mà còn được sống trong khu nhà bảo đảm an toàn, không gian sống sạch sẽ, gần trường học cho con nhỏ.
"Trong công ty tôi có hơn 20 hộ gia đình đang sinh sống cùng khu nhà. Anh chị em khi sống ở đây một thời gian đều nhận thấy không gian sống tốt hơn trước rất nhiều. Điều kiện để được thuê nhà cũng rất đơn giản, chỉ cần là công đoàn viên 3 năm trở lên, không phải đóng thuế thu nhập cá nhân", chị Thu cho biết.
Niềm vui được “an cư” của công nhân khu công nghiệp Hòa Cầm (Đà Nẵng) - Ảnh: VGP/Minh Trang
Cũng như chị Thu, mong ước an cư của chị Ngô Thị Viên, Công ty TNHH Apple Film sẽ thành hiện thực khi chuyển đến sống tại khu nhà ở công nhân tại KCN Hòa Cầm. Từ vùng quê Đại Lộc (Quảng Nam) ra làm việc tại KCN Hòa Cầm (Đà Nẵng) với khoảng cách hơn 80 km. Hằng ngày, chị vẫn phải đi về quãng đường xa như vậy vì con còn nhỏ, chị không tìm được nhà trọ giá rẻ, an ninh bảo đảm, gần nơi làm việc.
Gần đây, được Công đoàn Công ty giới thiệu về khu nhà ở CN tại KCN Hòa Cầm, chị Viên lập tức gửi hồ sơ để được thuê nhà. "Có chỗ ở ổn định gần công ty thì tôi mới an tâm làm việc và đưa được con gái nhỏ ra ở cùng. Mỗi căn phòng khoảng 20 m2 có giá thuê gần 400.000 đồng/tháng. So với mức thuê trọ bên ngoài (từ 1,5-2 triệu đồng/tháng), mức giá trên giúp tôi tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ", chị Viên tâm sự.
Theo Liên đoàn Lao động TP. Đà Nẵng, Dự án nhà ở xã hội cho công nhân tại KCN Hòa Cầm (giai đoạn 1) đã được khánh thành từ năm 2020, có tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng do LĐLĐ làm chủ đầu tư. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 27.755 m2, gồm 278 phòng ở đơn và 7 phòng ở đôi, giải quyết chỗ ở cho khoảng 600 công nhân.
Một số dự án nhà ở xã hội đã và đang triển khai tại khu vực các KCN trên địa bàn TP. Đà Nẵng bao gồm Dự án khu chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh gồm 1.404 căn hộ và 40 kiot. Dự án đã hoàn thành phần 6 khối nhà, đi vào hoạt động; đang tiếp tục xây dựng 2 khối còn lại. Dự án nhà ở công nhân lao động tại KCN Hòa Cầm gồm 8 khối nhà ở công nhân 5 tầng với 815 phòng; có siêu thị mimi, nhà trẻ, nhà để xe, cây xanh, khu thể thao, đã hoàn thành giai đoạn 1.
UBND TP. Đà Nẵng đã giao Sở Xây dựng điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở Thành phố giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan khi lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng KCN phải bố trí diện tích đất phù hợp trên địa bàn để xây dựng nhà công nhân, thiết chế của công đoàn đảm bảo đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ công nhân, người lao động làm việc tại KCN đó.
Còn tại Bắc Giang, vấn đề nhà ở công nhân cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Hiện nay, có 9 dự án đang triển khai thi công hoặc đang chấp thuận chủ trương đầu tư, với quy mô 57,6 ha, đáp ứng cho khoảng 59.825 công nhân. Ngoài ra, tỉnh đã phê duyệt 3 dự án thuộc khu đô thị, với quy mô đất ở chung cư cao tầng khoảng 16,6 ha, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 46.000 công nhân, 4 đồ án đang lập quy hoạch chi tiết, điều chỉnh quy hoạch chi tiết với quy mô đất ở dành cho công nhân khoảng 74,5 ha, đáp ứng cho khoảng 117.000 công nhân...
Như vậy, có thể thấy nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đã được ban hành nhằm khuyến khích phát triển nhà ở xã hội cho các đối tượng khó khăn, trong đó có công nhân tại các khu công nghiệp, bước đầu đáp ứng được ước mong an cư của nhiều người nhiều lao động. Tuy nhiên, số lượng nhà ở mới đáp ứng được gần 40% nhu cầu của công nhân và bài toán khó này vẫn đang tìm lời giải về cơ chế.
Thu Cúc-Minh Trang