Bố trí ngân sách phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhưng hạn chế xin cho, trục lợi chính sách

Ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về phạm vi...

Ngày 10/11, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

Theo đó, các đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến về phạm vi, đối tượng áp dụng, tên gọi của dự án Luật; đồng thời, đề nghị cụ thể hóa hơn các chính sách trong Nghị quyết 20-NQ/TW của Trung ương rà soát để thống nhất với các luật có liên quan như quy định về huy động nguồn lực, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; quy định về tổ hợp tác, việc thành lập và hoạt động của Liên đoàn Hợp tác xã; về mô hình tổ chức quản trị; quyền và nghĩa vụ của từng loại thành viên; trích lập các quỹ...

ƯU ĐÃI VỀ CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI, ƯU TIÊN LĨNH VỰC NÔNG NGHIỆP

Qua thực tiễn 10 năm thực hiện Luật, Đại biểu Dương Tấn Quân – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cho rằng phát triển khu vực kinh tế tập thể chưa đa dạng về mô hình, quy mô còn nhỏ, nguồn lực hạn chế và công tác quản lý, hỗ trợ của Nhà nước đối với kinh tế tập thể còn nhiều bất cập.

Do đó, việc Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật Hợp tác xã là cần thiết và phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Góp ý về chính sách của Nhà nước về hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế hợp tác xã, đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh vai trò quan trọng của chính sách đất đai đối với hợp tác xã.

Đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, luật hóa cụ thể chính sách đất đai, như là xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức kinh tế tập thể tích tụ đất đai cho sản xuất, kinh doanh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

Từ đó, hình thành chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông lâm ngư nghiệp quy mô lớn.

Đồng thời, "bố trí quỹ đất cho các tổ chức kinh tế tập thể, ưu đãi hợp lý về giá và thời gian cho thuê đất đối với hợp tác xã chuyển đổi và thành lập mới chưa được hỗ trợ thuê đất để đảm bảo sử dụng đất đai có hiệu quả vào nội dung của Luật", đại biểu Dương Tấn Quân nhấn mạnh.

Ngoài ra, đại biểu Dương Tấn Quân cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung chính sách ưu tiên nguồn lực hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, tổ chức là người đồng bào dân tộc thiểu số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm để khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Từ đó, giúp đồng bào dân tộc thiểu số sớm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng và giảm nghèo bền vững.

Bày tỏ sự nhất trí cao cần thiết phải sửa đổi Luật Hợp tác xã, Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị quan tâm đến đối tượng được thụ hưởng chính sách.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: Quochoi.vn.
Đại biểu Nguyễn Thành Nam - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đề nghị ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp - Ảnh: Quochoi.vn.

"Thực tế hiện nay ở nước ta số lượng hợp tác xã nông nghiệp chiếm đến gần 70% trên tổng số hợp tác xã. Do vậy, cơ quan soạn thảo nghiên cứu thiết kế chính sách hỗ trợ của nhà nước cần phù hợp và ưu tiên cho các tổ chức kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo quan điểm của Nghị quyết 20 Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII", đại biểu tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

Về nguồn vốn thực hiện chính sách quy định tại Điều 18, đại biểu Nguyễn Thành Nam nhận thấy đây là yếu tố cốt lõi để các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với hợp tác xã có tính khả thi nhưng dự thảo luật quy định còn chung chung, chưa cụ thể.

Do vậy, "cần quy định cụ thể rõ việc bố trí ngân sách nhà nước trung hạn, hàng năm, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện thuận lợi cho phân bố và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế tập thể", đại biểu Nam đề nghị.

"Chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã là nội dung rất quan trọng, cần quy định chặt chẽ nhằm hạn chế hỗ trợ theo kiểu xin cho và không loại trừ tình trạng trông chờ, ỷ lại, trục lợi chính sách", đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh.

Góp ý về tên của dự án luật, Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông, cho rằng với tên gọi Luật Hợp tác xã đã gắn liền với lịch sử phát triển của Việt Nam, rất phù hợp và ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và đã quen thuộc từ luật hiện hành, đã đi vào cuộc sống, tâm thức của người Việt.

Việc đổi tên cũng không làm thay đổi nội hàm của luật nếu mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh thì cũng không cần thiết phải thay đổi tên luật.

Còn với tên luật là Luật tổ chức kinh tế hợp tác đúng với nội hàm, phù hợp với các quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức trong các tổ chức kinh tế hợp tác và cũng đúng với định hướng Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu tên gọi của dự án luật để thể hiện rõ quan điểm trong xây dựng luật. Đồng thời đề nghị bổ sung báo cáo đánh giá tác động và hệ lụy của việc thay đổi tên để các đại biểu Quốc hội có cơ sở quyết định.

PHÁT TRIỂN KINH TẾ TẬP THỂ MẠNH MẼ HƠN

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao những ý kiến góp ý tâm huyết, xác đáng, trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Trên cơ sở ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội tại tổ, tại hội trường, Bộ trưởng giải trình, làm rõ thêm một số nội dung.

Về tên gọi của dự án Luật, Bộ trưởng cho biết hiện có 2 luồng ý kiến, một số ý kiến tán thành giữ tên Luật hợp tác xã; một số ý kiến đồng ý đổi tên thành Luật Các tổ chức kinh tế hợp tác.

Vấn đề này, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ rà soát, nghiên cứu, phối hợp với cơ quan thẩm tra tiếp thu về tên Luật cho phù hợp, báo cáo Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước khi trình Quốc hội.

Về mô hình liên đoàn hợp tác xã, Bộ trưởng nêu rõ trên thực tiễn mô hình liên đoàn hợp tác xã đã có; đồng thời, đây cũng là mô hình phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, phát triển rất mạnh.

Quy định mô hình mới sẽ bảo đảm chính sách của Nhà nước theo kịp xu hướng phát triển, đáp ứng kịp thời nhu cầu thực tiễn của các tổ chức kinh tế hợp tác; tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế hợp tác có quy mô lớn ở nước ta phát triển, hoàn thành mục tiêu tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ rà soát các chính sách, đảm bảo thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ rà soát các chính sách, đảm bảo thúc đẩy mô hình kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Về các chính sách hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, Bộ trưởng đồng ý cần thiết kế chính sách mạnh mẽ hơn, tập trung hơn, có trọng tâm trọng điểm hơn, cụ thể, rõ ràng hơn.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng cho rằng: "Cần tập trung làm rõ tính đặc thù, chú trọng chính sách chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao khả năng tiếp cận vốn, tăng cường áp dụng thành tựu khoa học công nghệ".

Về tổ chức đại diện, Liên minh Hợp tác xã, Bộ trưởng chỉ ra rằng có nhiều ý kiến đại biểu quan tâm cho ý kiến. Cơ quan chủ trì soạn thảo dự kiến báo cáo Chính phủ, tiếp tiếp tục rà soát, nghiên cứu quy định về tổ chức đại diện và hệ thống liên minh hợp tác xã tại dự thảo Luật này cho phù hợp, bảo đảm tính thống nhất, không chồng chéo của hệ thống pháp luật.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các chính sách, đảm bảo sự phù hợp, thống nhất, thúc đẩy mô hình kinh tế này phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Related

Tin tức 3823586434106235647

Xem nhiều

Mới đăng

item
- MENU -