Thị xã có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam sẽ được đề xuất lên thành phố
Thị xã Phú Mỹ có cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, chiếm 9/15 khu công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây cũng đạt 11/11 tiêu chí...
Thị xã Phú Mỹ có cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải, chiếm 9/15 khu công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Nơi đây cũng đạt 11/11 tiêu chí để thành lập thành phố thuộc tỉnh.
Sở Nội vụ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vừa có báo cáo về chủ trương xây dựng đề án thành lập thành phố Phú Mỹ và các phường trực thuộc. Sở Nội vụ cho rằng thị xã Phú Mỹ đạt 11/11 tiêu chuẩn thành lập thành phố thuộc tỉnh. 3 xã Tân Hải, Tân Hòa và Tóc Tiên thuộc thị xã đạt 17/17 tiêu chuẩn thành lập phường. Đây là bước đi quan trọng để hiện thực hoá nghị quyết của Đại hội Đảng bộ thị xã Phú Mỹ lần thứ VI về phấn đấu xây dựng thị xã trở thành thành phố gắn với thế mạnh công nghiệp, cảng biển vào năm 2025.
Trước đó, thị xã Phú Mỹ được thành lập vào năm 2018 trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính, dân số và hiện trạng của huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Thị xã trải dài trên diện tích 333,8 km2, dân số 180.000 người (số liệu năm 2019). Thị xã Phú Mỹ có vị trí thuận lợi khi phía tây giáp TP.HCM, nam giáp thành phố Bà Rịa và Vũng Tàu, bắc giáp tỉnh Đồng Nai. Nơi đây được định hướng phát triển 5 mũi nhọn kinh tế của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, gồm công nghiệp, cảng biển, dịch vụ hậu cần cảng, du lịch và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trong đó, thế mạnh cảng biển được chú trọng. Phía tây Phú Mỹ được bao trọn bởi dòng sông Thị Vải với hệ thống luồng lạch sâu thuận lợi để phát triển cảng nước sâu, nổi bật là cụm cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải. Đây là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ chở container đi trực tiếp châu Âu, châu Mỹ mà không phải trung chuyển qua nước thứ 3; với 35 bến cảng, nằm trong top 19 cảng biển lớn nhất thế giới.
Trong đó, cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép (TCIT) là cảng lớn nhất, chiếm đến gần 53% thị phần trong giai đoạn từ 2011 đến 2021. Cảng có tổng mức đầu tư 100 triệu USD. Khi mới đi vào hoạt động năm 2011, đây là cảng trung chuyển container nước sâu đầu tiên của Việt Nam. Đến nay, cảng đã xếp dỡ hơn 15 triệu TEU (mỗi TEU tương đương một container dài khoảng 6,1m). 2 năm gần đây, mỗi năm cảng Quốc tế Tân Cảng – Cái Mép đều bốc dỡ trên 2 triệu TEU. Con số này gấp đôi các cảng lớn khác trong cùng cụm như cảng CMIT, Gemalink.
Hạ tầng giao thông ở thị xã Phú Mỹ cũng được đầu tư để phù hợp với định hướng phát triển. Các dự án hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đang được thực hiện như đường bộ cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cầu Phước An, đường 991B, đường Vành đai 4 TP. HCM đoạn qua địa bàn tỉnh… Trong ảnh là Quốc lộ 51 – tuyến đường huyết mạch kết nối TP. HCM – Đồng Nai – Vũng Tàu.
Đường 991B dài gần 10 km, trục giao thông quan trọng vận chuyển hàng hoá từ cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, khu công nghiệp, trung tâm logistics Cái Mép Hạ và trung tâm kho bãi… ra Quốc lộ 51, nối vào cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu sau này. Công trình khởi công tháng 5/2018, tổng chi phí gần 4.000 tỷ đồng. Toàn tuyến có 4 cây cầu. Trong ảnh là cầu vượt Quốc lộ 51 dài 700 m (phường Tân Hoà), hạng mục quan trọng ở điểm đầu dự án.
Các con đường nội thành thị xã cũng được đầu tư xây dựng khang trang. Ngoài ra, sáng 18/6, lễ khởi công dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu giai đoạn 1 đã được diễn ra. Cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 17.800 tỷ đồng, dài hơn 53 km này được kỳ vọng giúp giảm tải áp lực cho Quốc lộ 51, khai thác tối đa cảng biển Cái Mép – Thị Vải…
Thị xã Phú Mỹ là nơi tập trung nhiều khu công nghiệp nhất của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, với hệ thống 9 cụm – khu công nghiệp đang hoạt động có quy mô lên đến 50 km2. Tính đến hết năm 2020, 9 khu công nghiệp này thu hút hơn 16,3 tỷ USD vốn đầu tư, tương đương 50% tổng vốn FDI tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Các khu công nghiệp ở Phú Mỹ tập trung đa dạng ngành nghề, nổi bật là điện – khí – đạm. Nhà máy Đạm Phú Mỹ (thuộc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí – PVFCCo) nằm trong khu công nghiệp Phú Mỹ 1, là đơn vị cung ứng nổi tiếng của ngành nông nghiệp Việt Nam. Sản lượng của nhà máy kể từ đầu năm đến nay đạt khoảng 480.000 tấn phân bón và hóa chất các loại, trong đó sản phẩm chủ lực Đạm Phú Mỹ đạt khoảng 273.000 tấn.
Là một trong 5 trụ cột phát triển, nông nghiệp chiếm gần 5% cơ cấu kinh tế của thị xã, tổng giá trị nông – ngư nghiệp 5 năm gần đây ước tính đạt 9.729 tỷ đồng. Nông nghiệp cũng được định hướng phát triển gắn liền với công nghệ cao. Mặt khác, sau 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kinh tế – xã hội vùng nông thôn trên địa bàn thị xã Phú Mỹ cũng được nâng cấp, thu nhập và đời sống người dân được cải thiện.
Lợi thế nổi bật về cảng biển, khu công nghiệp và lượng lớn lao động ngoại tỉnh đổ về đã tạo ra làn sóng đầu tư BĐS ở Phú Mỹ. Tính đến quý II/2022, giá đất nền trung bình tại địa phương này trong 2 năm đã tăng từ 47 triệu/m2 lên 59 triệu đồng/m2. Những tuyến đường về xã Châu Pha, xã Tóc Tiên, thuộc thị xã Phú Mỹ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đến xem và mua đất.
Thị xã Phú Mỹ còn có những địa điểm du lịch nổi tiếng như núi Dinh, núi Thị Vải và các công trình kiến trúc tôn giáo. Trong ảnh là nhà thờ Song Vĩnh, được xây dựng vào năm 2011 và chính thức khánh thành vào năm 2022. Nằm ngay quốc lộ 51, nhà thờ được xây dựng trên nền dài 82m, rộng 35m, với hai tháp cao theo lối kiến trúc Gothic cùng kiểu vòm nhọn cổ điển đặc trưng.
Bản đồ vị trí thị xã Phú Mỹ.
Dự án xem nhiều:
- Kim Đô Policity
- Việt Đức Legend City
- Từ Sơn Garden City
- Hanoi Phoenix Tower Cao Bằng
- Nhà ở xã hội Rice City Long Biên
- Hud Mê Linh Central
- Khu đô thị Việt Đức Legend City
Có thể bạn sẽ quan tâm:
- Dự án khu đô thị Từ Sơn Garden City
- Dự án khu đô thị Kim Đô PoliCity
- Nhà ở xã hội RICE CITY LONG BIÊN
- Dự án AMDI GREEN CITY
Nguồn: https://ift.tt/oIjt73x
Bài gốc: Thị xã có cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam sẽ được đề xuất lên thành phố